Lý Đặc và Lý Hùng khởi nghĩa & chính quyền Thành Hán Thiên sư Đạo

Không lâu sau khi Trần Thụy bị giết, vào các năm Vĩnh Ninh và Thái An (301-303) đời vua Tấn Huệ Đế, tại Tứ Xuyên nổi lên cuộc khởi nghĩa của các lưu dân ở Quan Lũng và tín đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo (vốn là dân tộc thiểu số Tung) do Lý ĐặcLý Hùng lãnh đạo. Lý Đặc là dân thiểu số Tung, theo Ngũ Đấu Mễ Đạo. Năm Vĩnh Ninh (301) Lý Đặc khởi nghĩa. Tháng Giêng năm Thái An (303) Lý Đặc kéo binh tấn công Thành Đô. Tháng 2, Lý Đặc tử trận, nghĩa binh chết thê thảm. Con của Lý Đặc là Lý Hùng dẫn tàn binh rút lui. Sau cùng, một nhánh quân khởi nghĩa do Phạm Trường Sinh (của Ngũ Đấu Mễ Đạo) chỉ huy đã trợ giúp lương thảo cho quân của Lý Hùng. Cùng năm này, họ lại tấn công Thành Đô, và lần này thành công. Lý Hùng năm Vĩnh Hưng nguyên niên (năm 304) xưng là Thành Đô Vương, tôn Phạm Trường Sinh làm vua, nhưng Phạm từ chối. Thế là tháng 6 năm Vĩnh Hưng thứ 2 (tức 305 CN) Lý Hùng xưng hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Thành. Ngay khi Phạm Trường Sinh từ chối làm vua, Lý Hùng phong Phạm Trường Sinh làm Thừa tướng, rồi ban hiệu là Thiên Địa Thái Sư, và phong làm Tây Sơn Hầu. Phạm Trường Sinh mất, con là Phạm Bí được kế vị thừa tướng. Lý Hùng cai trị 30 năm, chính sách khoan dung; cả thế cục đại loạn mà vùng Ba Thục vẫn bình yên vô sự. Truyền ngôi đến đời thứ 3 là Lý Thọ thì đổi quốc hiệu là Hán, do đó sử sách gọi chính quyền Lý Hùng là Thành Hán. Chính quyền Thành Hán kéo dài 47 năm, trải 6 đời; đến năm Vĩnh Hòa thứ 3 đời Đông Tấn (năm 347) thì bị Hoàn Ôn diệt.

Liên quan